BƯỞI
– QUÀ CỦA TỰ NHIÊN
Bưởi có tên khoa học là
Citrus maxima (Burm.) Merr. hay Citrus
aurantium L. var. grandis L. (1753), thuộc họ Cam Chanh
(Rutaceae) và được biết đến với nhiều tên thông thường khác như : Bưởi,
bòng, bồng, co phúc (Mường), kanbao tchiou (Thái), shaddock, pomelo (Anh), Sôm-ô, ma-o (Thái Lan).
Là cây thân mộc cao khoảng 10m,
hoa trắng đẹp, rất thơm, trái to và cho trái gần như quanh năm.. Về nguồn
gốc của loài Bưởi (C.maxima) thì đến
nay vẫn chưa được rõ. Một số tác giả đã cho rằng, Bưởi có nguồn gốc từ vùng Nam
Á và Malaysia ,
sinh trưởng tự nhiên dọc theo hai bờ sông Fiji và Friendly Inlands, được đưa vào trồng ở Trung Quốc từ khoảng 100
năm trước Công Nguyên, được trồng nhiều nhất ở các tỉnh Kwang-tung, Kwangsi và
Fukien, cũng như ở hai bên bờ sông Tha Chine miền nam Thái Lan, Đài Loan, vùng
xa nhất về phía nam của Nhật Bản, nam Ấn Độ, Mã Lai, Indonesia, New Guinea và
Tahiti. Những hạt giống đầu tiên của loài này đã được mang đến Tây bán cầu khá
trễ, vào thế kỷ 17 bởi thuyền trưởng Shaddock, là người đã ghé qua Barbados khi
đang trên đường đến Anh. Vốn
thích nghi với các khu vực đồng bằng và đồi núi thấp ở vùng
nhiệt đới, có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất đỏ Bazalt, đất
phù sa, cát pha, sét nên ở nước ta Bưởi cũng là loài cây ăn trái lâu năm, được
trồng rải rác từ Bắc vào Nam, hình thành nhiều vùng trồng Bưởi nổi tiếng mà địa
danh đã gắn liền với nhiều giống Bưởi ngon như Bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ, Uyên
Bái, Tuyên Quang), Bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), Bưởi Tân Triều (Đồng Nai), Bưởi
Năm Roi (Vĩnh Long), Bưởi Da Xanh (Bến Tre)...
Bưởi được người dân trồng chủ yếu để lấy trái. Trái Bưởi
có giá trị dinh dưỡng cao và có tác dụng
tốt đối với sức khỏe con người. Trong
100g phần ăn được của trái Bưởi chứa khoảng 25 – 58 Calo, 0.3 – 0.82g chất xơ,
Natri, Kali, Phospho, vitamin C, A, B2…..
Trái Bưởi chủ yếu được
sử dụng để làm thực phẩm, tép Bưởi thường được dùng để ăn tươi, chế biến các loại
nước giải khát, trộn gỏi. Phần cùi trắng của trái Bưởi cũng được chế biến thành
nhiều món ăn như làm mứt, nấu chè, làm nem chua chay.
Ngoài ra, tinh dầu từ vỏ trái chiếm tỷ lệ 0.80–0.84 % được sử dụng
nhiều trong chế biến thực phẩm, làm bánh kẹo, trong sản xuất nước hoa đồng thời
với đặc tính giàu moneterpen nên đây là nguyên liệu quan trọng trong y học cổ
truyền cũng như trong công nghiệp dược, có khả năng diệt khuẩn và kháng viêm,
ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư
Bên cạnh
đó vỏ trái có vị đắng, cay thơm, tính bình, chứa nhiều vitamin A, C và một số
chất có tác dụng giúp tiêu hoá thức ăn rất tốt. Ngoài ra còn dùng trị đờm, đau
bụng do lách to; đau dạ dày, đầy bụng, ăn uống không tiêu, ho nhiều, hen, đau
thoát vị.
Dịch
trái dùng trị chán ăn, mệt mỏi khó tiêu, ngộ độc, tạng khớp, ít nước tiểu, suy
mật, sốt và bệnh phổi. Vỏ hạt có pectin dùng làm thuốc cầm máu.Hạt Bưởi
sau khi bỏ vỏ ngoài, nướng chín, đem nghiền thành bột dùng để bôi chữa bệnh chốc
đầu ở trẻ con.
Lá dùng
để chữa sốt, ho, nhức đầu, hắt hơi, , kém ăn, còn dùng để chữa viêm vú và viêm
amygdale. Lá còn được dùng để nắn, xoa bóp, hay nấu nước xông và ngâm để chữa
sưng chân do hàn thấp, chướng khí, giảm đau do trúng phong tê bại. Lá non dùng
để chữa sưng trên khớp, bong gân, gãy xương do ngã, chấn thương, còn dùng để chữa
đau bụng, đầy bụng do lạnh.
Ngày nay, khi chúng ta đã bắt đầu có sực quan tâm đến
các sản phẩm làm đẹp có nguồn gốc từ tự nhiên thì tinh dầu của vỏ trái Bưởi được
coi như là một sản phẩm ưu việt. Trên thị trường đang có rất nhiều sản phẩm từ
tinh dầu vỏ Bưởi được sử dụng như: xông hơi (khử mùi, relax...), dùng tinh dầu trong
các sản phẩm chăm sóc cho tóc, giúp tóc mềm mượt và giảm tóc gãy rụng, cũng như
các sản phẩm nước hoa có mùi chủ đạo là nhóm citrus thường rất được yêu thích. Đồng thời, với mùi hương nhẹ nhàng và khả năng kháng viêm nhiễm và kháng khuẩn, tinh dầu vỏ Bưởi cũng được sử dụng nhiều trong các sản phẩm về da (dầu massage...).
Bưởi như một món quà của tự nhiên đã ban tặng cho chúng ta, hãy sử dụng món quà này một cách thông minh để có một cơ thể khỏe mạnh và tươi trẻ
Tinh dau thien nhien thật tuyệt.
Trả lờiXóa